Sóng ngầm sắp nổi lên thị trường nhập khẩu ô tô. 
Trong khi giới kinh doanh ôtô kêu khó vì quy định mới về thủ tục nhập khẩu trong Thông tư 20, Bộ Công Thương cho rằng đây là biện pháp mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Thành Biên - người ký thông tư 20 khẳng định, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu không phải chỉ có Việt Nam đặt ra. Nhiều nước trên thế giới cũng đặt ra các yêu cầu khá khắt khe đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Chẳng hạn, sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất ngoại phải có giấy chứng nhận đồ gỗ của các nhà xuất khẩu, nguyên liệu gỗ khai thác từ nguồn rừng nào. Ngoài ra, sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU cũng phải chứng minh nguồn gốc thủy sản đánh bắt ở vùng biển nào, tàu nào...
Do vậy, thông tư 20 được coi là một trong số biện pháp làm rõ nguồn gốc hàng hóa mà thời gian qua, VN chưa thực hiện triệt để. Đối với mặt hàng ôtô, Việt Nam có quá nhiều nhà nhập khẩu nhưng không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về bảo hành, bảo dưỡng. Chẳng hạn, khi sự cố xe Toyota bị lỗi chân ga, nhiều nước thực hiện thu hồi hàng triệu xe, còn ở Việt Nam các nhà nhập khẩu không có điều kiện sửa chữa xe đó, khiến quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo đảm.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết cả nước hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ với số lượng 30.000 xe mỗi năm. Như vậy, tính bình quân, một doanh nghiệp một năm chỉ nhập 20 xe, tương đương với 2 chiếc mỗi tháng. Việc doanh nghiệp tham gia nhập khẩu xe quá đông trong khi dung lượng không lớn cho thấy thị trường manh mún và cần phải có sự điều tiết theo hướng giảm bớt đầu mối nhập khẩu, tăng chất lượng dịch vụ, bảo đảm chất lượng từ khâu nhập khẩu cho tới khâu bảo trì, bảo dưỡng.
Với lý do kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo vệ người tiêu dùng, ngày 12/5, Bộ Công Thương ban hành thông tư 20 quy định thêm một số thủ tục nhập khẩu đối với mặt hàng ôtô. Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc về thị trường phải có giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/6, tức sau đúng 45 ngày ký ban hành.
Quy định mới này đang khiến giới nhập khẩu xe hơi trong nước lo ngại và có nhiều tranh luận khác nhau.
Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu có tiếng ở Việt Nam nhận xét: Không có một đất nước nào trên thế giới lại có tới 5.000 salon ôtô, trong đó có khoảng 1.700-2.000 nhà nhập khẩu. Trong khi đó, giá xe lại cao hơn rất nhiều so với khu vực. "Tôi cho rằng thông tư 20 của Bộ Công Thương là một biện pháp mạnh để lập lại trật tự thị trường, gạt bớt những đơn vị nhập khẩu nhỏ lẻ nhưng lại có khả năng gây nhiễu về giá cả và chất lượng", vị giám đốc doanh nghiệp này cho biết.
Tuy nhiên, ông này cho rằng khi đưa ra thông tư 20, Bộ Công Thương cần có lộ trình thực hiện để doanh nghiệp có phương án chuyển hướng kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Trên thế giới, nhiều nước cũng áp dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn nhiều, nhưng có lộ trình thực hiện.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc tăng 54% về lượng, 76% về giá trị, trong khi linh kiện ôtô và phụ tùng lại giảm tới 48,3%. Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, nhập siêu 5 tháng đầu năm ước khoảng 6,5 tỷ USD, bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, chỉ tiêu của Chính phủ là 16% cả năm.
Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc điều hành Công ty ôtô Tây Bắc cho rằng nếu nhìn vào số lượng xe nhập khẩu trong thời gian vừa qua có thể thấy cái khó của Chính phủ khi điều hành chính sách. Do vậy, trước khó khăn chung, các nhà nhập khẩu sẵn sàng chia sẻ gánh nặng bằng cách cùng cam kết dừng nhập khẩu xe trong một thời gian ngắn, có thể là 3 hoặc 6 tháng... Điều này sẽ đạt được mục tiêu trước mắt là giảm nhập siêu ngay. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng khi doanh nghiệp cam kết ngừng nhập xe, nếu Chính phủ chấp nhận cũng nên công bố thời gian ngừng nhập là bao lâu để doanh nghiệp có phương án chuẩn bị.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn này, không chỉ các nhà nhập khẩu tự do mà cả các thành viên của VAMA, các nhà phân phối chính hãng cũng cần phải chung tay chia sẻ với Chính phủ. "Tôi cho rằng lúc này các nhà nhập khẩu tự do, thành viên của VAMA và nhà phân phối chính hãng... cùng chung tay chia sẻ khó khăn với Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát nhập siêu", ông Hùng nói.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Công ty ôtô Thiên Phúc An - Nguyễn Tuấn cho rằng: "Chúng tôi ủng hộ chính sách kiểm soát nhập siêu của Chính phủ bằng cách cùng nhau cam kết giãn thời gian nhập khẩu xe. Tuy nhiên, quyết định này có thể ảnh hưởng đến cả nghìn doanh nghiệp và hàng vạn lao động nên cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng vào thực tiễn", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tags: thế giới ô tô nhập khẩu, the gioi o to nhap khau

Các bài viết khác:
                          Tăng mạnh nhập khẩu ôtô tháng 5
                           Thị trường và nhập khẩu ôtô 4 tháng 2014
                          Không nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng quá 5 năm
                          Thị trường ô tô: Lạc quan tăng tốc


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ

Kết nối với chúng tôi

Được tạo bởi Blogger.

Bài viết nổi bật